Bỏ thanh tra xây dựng: Bớt thủ tục, giảm chung chi

14:32 15/11/2018

Đề xuất tinh giản tiến tới xóa bỏ lực lượng thanh tra xây dựng của nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm đang gây nhiều tranh cãi.

Đề xuất tinh giản tiến tới xóa bỏ lực lượng thanh tra xây dựng của nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm đang gây nhiều tranh cãi.

Nhưng đa số đều cho rằng nên xã hội hóa lực lượng này để bớt thủ tục, giảm chung chi trong hoạt động xây dựng.

Nhiều thanh tra, lắm vi phạm

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, có thể xem xét sử dụng dịch vụ thanh tra xây dựng (TTXD) để giảm biên chế và tăng hiệu quả của công tác này. Bởi ở nhiều nước trên thế giới, khi cấp giấy phép xây dựng, chính quyền sẽ thu luôn một khoản phí dùng để thuê dịch vụ kiểm tra doanh nghiệp (DN), người dân có thực hiện đúng giấy phép được cấp hay không. Lực lượng này không thuộc biên chế của nhà nước. Khi thuê dịch vụ như vậy, có thể kiểm soát được chất lượng, đơn vị nào làm tốt sẽ tiếp tục được thuê và ngược lại.

Trao đổi với Thanh Niên, TS Liêm cho biết đề xuất của ông xuất phát từ tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tràn lan, vai trò của lực lượng TTXD trong xã hội không phát huy được. Có nhiều vụ việc vi phạm trật tự xây dựng được báo chí phanh phui, người dân phát hiện tố giác. “Gần đây nhất là tại phiên chất vấn HĐND TP.Hà Nội, vấn đề vi phạm trật tự xây dựng tiếp tục làm nóng hội trường, lãnh đạo Sở Xây dựng TP.Hà Nội trả lời vòng vo khi bị hỏi xoáy. Như vậy, minh chứng rằng lực lượng TTXD hoạt động chưa hiệu quả”, TS Liêm nói.

Hiện từ cấp phường, quận đến TP có nhiều lực lượng quản lý về xây dựng như lực lượng địa chính ở phường xã, đô thị ở quận huyện và TTXD ở Sở xây dựng. Đáng nói là dù lực lượng đông như vậy nhưng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, nhất là ở các công trình lớn, hiện nay vẫn diễn ra tràn lan. Hiệu quả về quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng chưa cao, có nhiều tiêu cực phát sinh. Đơn cử tại các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B... H.Bình Chánh, TP.HCM tình trạng xây dựng vi phạm tràn lan, đất nông nghiệp bị người dân, đầu nậu xẻ phân lô bán nền, xây dựng nhà cửa rầm rộ nhưng không thấy các lực lượng chức năng và đặc biệt là TTXD xử lý. Nhưng khi phát hiện vi phạm, các nơi đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Sở dĩ xảy ra những tình trạng trên là do có sự bao che, tiêu cực của các lực lượng, trong đó có TTXD, gây bức xúc cho người dân, DN.

Thanh tra xây dựng và liên ngành đang tháo dỡ một công trình xây dựng sai phép tại Q.2, TP.HCM ẢNH: CTV

Theo TS Liêm, Mỹ và nhiều nước không tồn tại lực lượng TTXD. VN có thể nghiên cứu áp dụng theo xu hướng này. Trước mắt, có thể lựa chọn một vài quận, huyện ở Hà Nội, TP.HCM thực hiện thí điểm rồi tổng kết, so sánh. Nếu thấy sử dụng dịch vụ TTXD hiệu quả hơn duy trì lực lượng TTXD như hiện nay thì nhân rộng mô hình rồi dần dần tiến tới bỏ hẳn lực lượng này, xem đây là hình thức xã hội hóa hoạt động TTXD. "Lực lượng TTXD hiện nay có thể chuyển thành các công ty, đơn vị nhận làm công tác thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật của chủ đầu tư khi xây dựng. Cơ quan nhà nước chỉ duy trì một bộ phận nhỏ để làm kế hoạch thanh tra trước khi đặt hàng", ông Liêm góp ý.

Đúng, sai đều phải "lót tay"

Lãnh đạo một công ty bất động sản cho rằng đây là đề xuất hợp lý. Nên bỏ TTXD thuộc biên chế nhà nước và thuê TTXD có đào tạo bài bản về ngành xây dựng. Thực tế có nghịch lý là đa số TTXD hiện nay không có bằng cấp chuyên môn về ngành xây dựng lại đi kiểm tra "anh em" kỹ sư, kiến trúc sư xây dựng kỳ cựu.

Đây là điều hết sức vô lý. Không những vậy, việc bỏ TTXD là bớt đi một gánh nặng và nỗi lo của người dân. “Mỗi lần TTXD xuống kiểm tra dự án hay nhà dân là DN, người dân tốn thêm một khoản tiền, dù họ làm đúng. Do đó, bỏ được TTXD biên chế và thuê lực lượng thanh tra bên ngoài là người dân, DN xây dựng nhà bớt đi được gánh nặng chung chi, gánh nặng lo lắng, bộ máy nhà nước được tinh giản, gọn nhẹ hơn. Ngay bản thân tôi khi xây nhà thì TTXD cứ đi lòng vòng tìm chủ nhà, nhà thầu để kiếm tiền chung chi bằng những lý do rất vô lý. Do đó nên dẹp lực lượng TTXD vì họ làm việc không hiệu quả và có tiêu cực”, vị này cho hay.

Đây cũng là nỗi lòng của hầu hết DN và người dân. Như luật bất thành văn, TTXD có mặt thì đúng hay sai người dân, DN đều phải "lót tay" nếu muốn mọi việc suôn sẻ. Nhưng càng ngày lực lượng này càng đông nên chi phí ngoài luồng ngày càng tăng.

Quản chặt thay vì bỏ

Nếu như đa số ý kiến người dân, DN ủng hộ việc xã hội hóa lực lượng TTXD thì hầu hết các ý kiến trong ngành xây dựng lại tỏ ra thận trọng. Thừa nhận lực lượng TTXD hiện nay khá đông đảo nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng còn chưa xử lý triệt để, ngân sách không thu được nhiều từ tiền xử phạt, nhưng ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu VN, cho rằng cần tổ chức lại lực lượng TTXD, đưa về một mối thuộc Sở, quận hoạt động cho hiệu quả. Ông Hiệp cho rằng nếu dùng dịch vụ TTXD, vẫn cần có vai trò của cơ quan quản lý nhà nước chứ không thể phó thác toàn bộ cho dịch vụ.

Ông Trần Việt Trung, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, nhìn nhận đề xuất của TS Liêm là vấn đề mang tầm vĩ mô. Vấn đề dùng dịch vụ TTXD còn rất mới. “Mô hình ở các nước quản lý theo luật, còn ở ta cần phải suy tính kỹ trước khi áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể”, ông Trung thận trọng. Là người có thâm niên trong công tác thanh tra xây dựng, TS Phạm Gia Yên, nguyên Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, cho rằng để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra trong lĩnh vực xây dựng có thể nghiên cứu sử dụng dịch vụ TTXD, tương tự như các công ty kiểm toán trong ngành tài chính. Tuy nhiên, khi nghiên cứu đưa ra cơ chế thuê dịch vụ, cần xem xét kỹ ở góc độ cơ quan thanh, kiểm tra đều mang tính chất là lực lượng cầm nắm pháp luật của nhà nước, phải thận trọng.

Chuyển bớt TTXD từ Sở về quận huyện

Mới đây, tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Sở Xây dựng TP báo cáo trong 10 tháng qua, lực lượng chức năng của Sở đã phát hiện và xử lý hơn 2.500 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng, tăng 355 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016. Riêng xây dựng không phép vẫn tăng 135 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Để hạn chế vi phạm xây dựng, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở, kiến nghị đưa lực lượng TTXD hiện trực thuộc Sở Xây dựng quản lý chuyển về các quận, huyện. Tuy nhiên nói về việc bỏ lực lượng TTXD, ông Tuấn cho rằng hiện nay lực lượng này khoảng 1.000 người đang tham gia giám sát, kiểm tra các hoạt động xây dựng; kiểm tra sai phạm liên quan đến nhà ở, quy hoạch... nên việc bỏ TTXD là không thể. Tuy nhiên, để bảo đảm tốt nhiệm vụ, giảm bớt bộ máy, Sở Xây dựng đã trình đề án chuyển thanh tra về quận huyện, lực lượng thanh tra Sở chỉ còn khoảng 15%.

Đình Sơn - Lê Quân

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

Nguyễn Trung Thành

Đại tá Lê Tân Phương

Tỉ giá hối đoái