Cơ hội thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng

09:25 17/11/2018

Nông nghiệp công nghệ cao là một trong những giải pháp phát triển nhằm thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với hệ thống chính sách khuyến khích ngày càng được hoàn thiện cùng các điều kiện tự nhiên thuận lợi, sự quyết tâm của chính quyền địa phương,

Nông nghiệp công nghệ cao là một trong những giải pháp phát triển nhằm thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với hệ thống chính sách khuyến khích ngày càng được hoàn thiện cùng các điều kiện tự nhiên thuận lợi, sự quyết tâm của chính quyền địa phương, Lâm Đồng đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trồng rau thủy canh công nghệ cao tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: VGP/Ngọc Lương
Có thể nói Lâm Đồng là một trong những địa phương tiên phong trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao và hiện tại là tỉnh dẫn đầu về mức độ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông sản hàng hóa. Từ những năm 1990, Lâm Đồng đã xác định nông nghiệp công nghệ cao là một trong những đột phá phát triển; nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được hình thành và hoạt động có hiệu quả.

Đến nay, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng, 100% số xã trên địa bàn đã có đề án phát triển sản xuất được phê duyệt và đang triển khai thực hiện, tập trung vào các lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với rau, hoa, chè, cà phê, cây đặc sản, bò sữa, cá nước lạnh…

Toàn tỉnh hiện có trên 39.237 ha sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chiếm 15% diện tích đất canh tác. Trong đó có 14.063 ha rau, hoa, cây đặc sản, 5.635 ha chè, 15.335 ha cà phê, 3.585 ha lúa.
Trong buổi làm việc với Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng ngày 5/9 vừa qua, ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng: “Kết quả rất đáng khích lệ trong xây dựng nông thôn mới tại Lâm Đồng có đóng góp rất lớn của sản xuất nông nghiệp và đặc biệt nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sự thành công trong áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa tại Lâm Đồng sẽ là bài học kinh nghiệm cho nhiều địa phương trong cả nước.”

Chờ đợi cú hích từ chính sách

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, một loạt chính sách đã được Chính phủ ban hành như Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 1895/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn…

Theo các chính sách này, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nếu đáp ứng các tiêu chí cụ thể sẽ được Nhà nước hỗ trợ vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng, tín dụng, đất đai, khoa học công nghệ, phát triển thương hiệu và thị trường…

Đối với Lâm Đồng, các chính sách của Nhà nước cũng có nhiều ưu đãi để địa phương phát huy lợi thế của mình. Theo Quyết định 575/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Lâm Đồng được quy hoạch cả khu và vùng nông nghiệp công nghệ cao. Đến năm 2020 Lâm Đồng được quy hoạch có một khu do Nhà nước thành lập và hỗ trợ vốn đầu tư.

Ngoài ra, theo cơ chế đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 3/9/2015), ngoài các chính sách chung, thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ được thí điểm xây dựng các mô hình “làng xanh”, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ được miễn thuế nhập khẩu, trang thiết bị, vật tư để xây dựng nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao mà trong nước chưa sản xuất được.

Ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thăm mô hình trồng rau công nghệ cao của Công ty TNHH Trồng trọt - Thương mại Kim Bằng. Ảnh: VGP/Ngọc Lương

Còn nhiều thách thức

Hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được quy định khá đầy đủ, toàn diện, từ đất đai, hạ tầng đến tín dụng, khoa học công nghệ, phát triển thị trường…

Tuy nhiên, nhiều chính sách chưa thật sự đi vào cuộc sống, việc tiếp cận các hỗ trợ của người dân còn hạn chế. Bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Trồng trọt-Thương mại Kim Bằng (TP. Đà Lạt), cho hay, mặc dù thành lập được 20 năm, công ty chỉ mới được hỗ trợ trong một số hoạt động như tham gia hội chợ, cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Biến đổi khí hậu cũng là một thách thức đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tính riêng trong tháng 4/2015, trên địa bàn Lâm Đồng đã xảy ra 3 đợt dông lốc kèm mưa đá gây hư hại hàng trăm ha nhà kính, nhà lưới trồng rau, hoa chất lượng cao, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng.

Ngoài ra, quy hoạch, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường cũng là các vấn đề quan trọng. Cũng tại buổi làm việc ngày 5/9, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục đã đề nghị với UBND tỉnh Lâm Đồng: “Để xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất, bền vững thì vấn đề nâng cao thu nhập là hết sức quan trọng. Trong đó phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi đúng của Lâm Đồng. Tuy nhiên, khi sản xuất hàng hóa ở quy mô lớn thì vấn đề thị trường, quy hoạch cần quan tâm hơn, tránh tình trạng cung vượt quá cầu, ‘được mùa rớt giá’ bấy lâu nay”.

Theo xu thế phát triển, nhu cầu của thị trường ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng trong khi biến đổi khí hậu ngày càng gây tác động bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao sẽ là hướng đi tất yếu. Với hệ thống chính sách hỗ trợ, kinh nghiệm và điều kiện khí hậu thuận lợi, Lâm Đồng đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.

Chia sẻ bài viết

Thong ke

Thông tin thời tiết

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

Nguyễn Trung Thành

Đại tá Lê Tân Phương

Tỉ giá hối đoái